VƯỢT QUA NGHỊCH CẢNH BIẾN KHÓ KHĂN THÀNH CƠ HỘI VÀ CHIẾN THẮNG

1. CHUYỆN XÂY CẦU BROOKLYN

“Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ được đầu hàng” –  Winston Churchill

Cầu Brooklyn bắc ngang con sông nằm giữa hai thành phố Manhattan và Brooklyn phải nói là phép lạ của ngành xây dựng.

Vào năm 1883, một kỹ sư giàu óc sáng tạo tên là John Roebling, lòng đầy hứng khởi khi nảy ra ý kiến xây một cây cầu thật ngoạn mục bắc ngang hai thành phố này.

Tuy nhiên, khi nghe ông trình bày ý tưởng táo bạo đó không một chuyên gia về cầu đường nào chịu hợp tác với ông. Họ cho rằng ông điên và bảo ông hãy quên điều đó đi vì không thể nào làm được cây cầu như vậy.

Không nản lòng, ông về nhà thuyết phục con trai mình là Washington cũng là một kỹ sư đầy tiềm năng, rằng có thể xây được cây cầu như vậy. Cả hai cha con cùng ấp ủ ý muốn hoàn thành cây cầu và bàn luận về cách vượt qua mọi trở ngại.

Dẫu sao, các ngân hàng cũng tin họ và đồng ý bỏ tiền ra cho dự án xây cầu. Hết sức phấn khích và nhiệt thành, họ tuyển nhân công và bắt đầu xây cây cầu trong mơ của mình.

Dự án tiến hành được vài tháng thì tai họa ập đến. Một tai nạn ngay tại công trường đã cướp đi chính sinh mạng ông John Roebling và con trai ông bị thương nặng ở đầu.

Washington sau tai nạn ấy đã không thể đi đứng và nói được. Ai cũng nghĩ là dự án cuối cùng sẽ tàn thành mây khói vì chỉ có cha con Roebling là những người duy nhất hiểu được cách xây chiếc cầu này. Mặc dầu không thể đi lại và nói chuyện, đầu óc Washington Roebling vẫn còn rất tinh anh. Một hôm, đang nằm trong bệnh viện, trong đầu ông chợt nghĩ ra cách “nói chuyện” với người khác.

Vận động duy nhất của cơ thể ông hiện thời là nhúc nhích một ngón tay và ông nghĩ ra một bộ mã truyền tin. Với bộ mã này, ông dùng ngón tay còn chuyển động được gõ ra ý nghĩ của mình vào tay vợ mình để thông tin với vợ những gì cần nói với các kỹ sư vẫn đang tiếp tục xây dựng cây cầu.

Trong suốt 13 năm, Washington đã ra lệnh bằng ngón tay duy nhất còn chuyển động của mình cho đến khi hoàn thành cây cầu Brooklyn kỳ vĩ mà chúng ta nhìn thấy ngày hôm nay.

“Bạn sẽ khám phá ra chính mình một bậc cao hơn sau mỗi lần vượt qua nghịch cảnh”  – Thomas Edison.

2. BÀI HỌC TỪ NGƯỜI THẦY DẠY VÕ

“Phần lớn hạnh phúc hay bất hạnh được quyết định bởi tính cách của bạn chứ không phụ thuộc vào hoàn cảnh” – Martha Washington

Một cậu bé 10 tuổi quyết định học môn võ judo cho dù cánh tay trái của cậu đã mất trong một tai nạn xe hơi. Cậu theo học judo với một võ sư Nhật.

Vì tin rằng mình đã học tập rất chuyên cần và tiến bộ nên cậu vô cùng thắc mắc tại sao sau ba tháng tập luyện mà thầy chỉ dạy cho mình mỗi một thế võ duy nhất.

Cuối cùng, không kiên nhẫn nổi nữa, cậu bé hỏi thầy:
– Thưa thầy, chẳng lẽ con không thể học được các thế võ khác sao?

Ông trả lời:
– Đây là thế võ duy nhất thầy dạy con, cũng chính là thế võ duy nhất mà con cần phải học.

Tuy không hiểu hết lời thầy nhưng tin tưởng ở thầy, cậu bé tiếp tục tập luyện.

Nhiều tháng sau, lão sư phụ dẫn cậu đến tham dự một cuộc thi judo. Cậu bé rất ngạc nhiên khi thấy mình thắng dễ dàng trong hai trận đầu.Trận thứ ba khó khăn hơn nhưng sau một hồi, đối phương mất kiên nhẫn trong các đòn tấn công, cậu bé đã khéo léo sử dụng thế võ và chiến thắng. Vẫn chưa hết ngạc nhiên vì thành công của mình, cậu tự tin bước vào trận chung kết.

Lần này, đối thủ của cậu là một võ sinh cao lớn, to khỏe và dày dặn kinh nghiệm hơn. Vào trận không lâu, cậu bé đã liên tiếp trúng đòn và hoàn toàn bị đối phương áp đảo. Hết hiệp đầu, sợ cậu bé bị thương, trọng tài ra hiệu kết thúc trận đấu sớm nhưng người thầy của cậu không đồng ý:

Cứ để cậu bé tiếp tục. – Võ sư yêu cầu.

Ngay sau khi trận đấu bắt đầu lại, đối phương phạm phải sai lầm nghiêm trọng: anh ta coi thường đối thủ và mất cảnh giác. Ngay lập tức cậu bé dùng thế võ duy nhất của mình quật ngã đối phương và khóa chặt anh ta trên sàn.

Cậu bé đã đoạt chức vô địch.

Trên đường về, hai thầy trò ôn lại các thế đánh trong từng trận đấu. 

Lúc này cậu bé mới thu hết can đảm nói ra cái điều ám ảnh trong đầu mình bấy lâu nay:
– Thưa thầy, làm sao con có thể trở thành vô địch chỉ với một thế võ như thế?

Con chiến thắng vì hai lý do. Người thầy trả lời.
– Lý do thứ nhất con gần như đã làm chủ được một trong những cú đánh hiểm và hiệu quả nhất của môn võ này. Lý do thứ hai, cách duy nhất mà đối thủ của con phá được thế võ đó là họ phải giữ chặt cánh tay trái của con lại
– Mà con lại không có tay trái.

Đôi khi, một điểm yếu của ai đó lại trở thành điểm mạnh vững chãi nhất của họ. Có ưu điểm là một điều tốt nhưng nếu có thể biến khuyết điểm thành lợi thế lại càng là một điều kỳ diệu hơn. Hãy tin vào chính mình, bạn có thể làm tất cả!

“Hãy biến nghịch cảnh thành cơ hội giúp bạn đạt được những điều tốt đẹp hơn.” –   Wille Jolley